NGHỆ THUẬT CHẠM KHẮC TRÊN KIẾN TRÚC NHÀ GỖ TRUYỀN THỐNG

NGHỆ THUẬT CHẠM KHẮC TRÊN KIẾN TRÚC NHÀ GỖ TRUYỀN THỐNG

Chủ nhật, 09/04/2023 | 15:54

NGHỆ THUẬT CHẠM KHẮC TRÊN KIẾN TRÚC NHÀ GỖ TRUYỀN THỐNG

Nghệ thuật tạo hình dân gian Việt nam đa dạng về phong cách, phong phú về thể loại, giàu có về chất liệu...

Từ tranh Đông Hồ, sứ Bát Tràng, đồ đồng Tống Xá, lụa làng Vân, chạm gỗ La xuyên, thổ cẩm Tây bắc, gốm Biên Hòa, điêu khắc Tây nguyên…đều mỗi thứ một vẻ. Tất cả tài năng sáng tạo đa dạng và phong phú ấy đã làm nên bản sắc văn hóa dân gian Việt. Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật phong phú và đa dạng ấy nghệ thuật chạm khắc gỗ truyền thống là một nghệ thuật tạo hình tài hoa, góp phần làm nên hồn cốt linh thiêng cho những cung vua phủ chúa, những công trình thờ cúng tâm linh như đình, chùa, miếu, phủ. Trải qua dặm dài năm tháng, nghệ thuật chạm khắc gỗ cùng với những công trình ấy còn mang trên mình nhiều ý nghĩa về lịch sử, về khoa học, chính trị, văn hóa, tư tưởng v.v…

Điêu khắc gỗ trong hành trình lịch sử

Trong di sản nghệ thuật truyền thống, điêu khắc có một lịch sử phát triển liên tục và đa dạng. Thời tiền sử (từ nền văn hóa Núi Đọ đến văn hóa Đông sơn – cách đây trên 2.500 năm) hoạt động văn hóa chưa rõ nét, các di vật sưu tầm được như trống đồng, đồ tế khí thể hiện nghệ thuật điêu khắc mang tính tinh thần thượng võ, hoàn toàn thuần Việt. Điêu khắc Tây nguyên bảo lưu một nền văn hóa của các dân tộc có nguồn gốc từ thổ dân Đông Nam Á, phổ biến là tượng nhà mồ. Điêu khắc và kiến trúc Champa hình thành ở Trung bộ, phát triển rực rỡ vào thế kỷ thứ VII với nguyên liệu chính là đất nung.

Thời Lý (1010-1225), Đại việt trở thành quốc gia độc lập, Phật giáo trở thành Quốc đạo, các trung tâm Phật giáo được xây dựng đồ sộ theo kiến trúc Á Đông hình thành một nền điêu khắc Phật giáo, trong đó phát triển mạnh về kiến trúc và trang trí trên gỗ. Thời Trần (1225-1400) , chạm khắc gỗ có những sự biến đổi, phong cách mạnh mẽ trong hình tượng chạm khắc thay thế phong cách hòa nhã của thời Lý. Thời Lê sơ (1428-1527) Nho giáo lên ngôi, điêu khắc Phật giáo bị mờ nhạt, nền điêu khắc của thời Lê ở Thanh hóa đơn điệu, thô mộc dù kiến trúc tổng thể khá đặc sắc.Thời Lê-Trịnh-Tây sơn (1528-1598), nền kiến trúc- điêu khắc gỗ đình làng phát triển. Đến thế kỷ XVII-XVIII, nền Phật được giáo phục hưng cũng là giai đoạn phát đạt của văn hóa nghệ thuật. Kiến trúc – điêu khắc đình, chùa có cấu trúc đồ sộ, cầu kỳ, phát triển trên diện rộng, chi phối sâu sắc đến tinh thần và thẩm mỹ của người Việt. Thời Nguyễn (1802-1945) điêu khắc Huế vẫn mang dấu ấn của điêu khắc gỗ đình chùa vào cung đình, điêu khắc lăng mộ nghèo nàn về ngôn ngữ và cứng nhắc về quy phạm, trong khi đó ở Bắc bộ điêu khắc mang tính Phật giáo vẫn phát triển mạnh.

Phát triển từ thời Lý, trải qua hành trình lịch sử hàng ngàn năm, điêu khắc gỗ Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, điều này thể hiện trên các cung điện, đình chùa trên khắp cả nước. Với một đất nước ở vùng nhiệt đới, nguyên liệu gỗ là nguồn nguyên liệu tương đối dồi dào, phù hợp với kỹ nghệ chế tác nên đã được các nghệ nhân dân gian chọn làm vật liệu chủ đạo để thể hiện tư tưởng, bản chất và sự tài hoa khéo léo của mình, biến những kết cấu gỗ vô tri vô giác thành muôn vàn tác phẩm nghệ thuật, từ cỏ cây hoa lá đến muông thú và các hình tượng khác theo trí tưởng tượng phong phú của con người. Những con giống, hoa trái, Rồng-Phượng, mây nước được chạm khắc trong các cấu kiện như đầu đao, xà, kèo, cây nóc, vì nhà ở các cung điện, đình, chùa đều thể hiện rõ nét các quan niệm triết học sâu sắc về thiên nhiên, con người với triết lý phương Đông “Thiên-Địa-Nhân” rất xúc tích qua phương pháp tượng hình.

Những di tích kiên trúc còn tồn tại

Căn cứ vào các cứ liệu lịch sử, vào đặc điểm kiến trúc, nghệ thuật trang trí trên gỗ và các vật dụng cổ còn lưu giữ tại các công trình kiến trúc còn bảo tồn, sử dụng, xác định nghệ thuật chạm khắc gỗ trên các công trình xây dựng đã có từ rất sớm. Cùng với nghệ thuật trang trí trên đá, trên gốm, sứ…nghệ thuật chạm khắc gỗ đã có lịch sử từ vài ngàn năm có lẻ. Tuy nhiên, do khí hậu ở vùng nhiệt đới,nguyên liệu gỗ không thể tồn tại bền lâu, trải qua những năm tháng chiến tranh tàn phá, nâng cấp, xây dựng lại… vì vậy những chứng tích cổ xa xưa chỉ còn lại rất ít, những công trình còn bảo tồn có niên đại sớm nhất chủ yếu từ thế kỷ thứ XV-XVI:
- Đình làng Chèm (Thụy Phương-Hà Nội) được khởi dựng từ hơn 2000 năm, thời Hùng Duệ Vương, thờ “Khang Hy Thiên Vương Lý Ông Trọng”. Tuy nhiên, đình được phục dựng từ thời Lê Trung Hưng và gìn giữ cho đến ngày nay.
- Chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) khởi dựng vào thế kỷ thứ III (Sau CN) và Mạc Đĩnh Chi hưng công xây dựng lại giữa thế kỷ thứ XIV.
- Chùa Thiên Niên (Hà Nội) xây dựng từ năm 544-548 (thời Lý Nam Đế). Đền Quán Thánh (Hà Nội) xây dựng từ năm 1010-1028 (thời Lý Thái Tổ). Chùa Trăm gian (Hoài Đức, Hà Nội) xây dựng từ năm 1185 (thời Lý Cao Tông), xong hầu hết đã dược nâng cấp ,phục dựng từ thời Mạc Mậu Hợp trở lại đây.
- Đình Cổ Am (Thái Bình) xây dựng năm 1527-1528. Đình Trùng Hạ (Ninh Bình) xây dựng năm 1685. Đình Thổ Hà (Băc Giang) phục dựng năm 1677. Đình làng La Xuyên (Nam Định) đã có từ thế kỷ thứ IX, phục dựng vào thế kỷ thứ XVII. Chùa Keo (Thái Bình) xây dựng năm 1608. Chùa Hương Tích (Hà Nội) xây dựng 1686….
- Các công trình cung đình nhà Nguyễn, các đình, chùa ở phía Nam và một số nhà thờ Thiên chúa giáo được xây dựng muộn hơn, từ thế kỷ XVIII trở lại đây, như chùa Giác Lâm (Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) xây dựng năm 1744 (đời Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát), Khu Kinh thành Huế được Vua Gia Long cho xây dựng từ năm 1805 đến năm 1832 thì hoàn thành. Chùa Đại Tùng Lâm (Vũng Tàu) khởi phát xây dựng từ năm 1958, chùa Vĩnh Nghiêm (TP HCM) xây dựng năm 1964…Nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình) xây dựng năm 1875-1898.
Với nguồn gốc lịch sử và nền văn hóa lâu đời, những công trình kiến trúc cổ được xây dựng dầy đặc khắp khu vực Trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung bộ.Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, các công trình kiến trúc cổ còn tồn tại đến ngày nay đều mang diện mạo, kiến trúc từ đầu thời Lê sơ, hưng thịnh vào thời Mạc. Tại các công trình này, nghệ thuật chạm khắc gỗ trên các cấu trúc xây dựng luôn luôn đồng hành như một phần không thể thiếu trong kiến trúc nhà gỗ cổ. Công trình càng tầm cỡ thì nền chạm khắc càng bố trí dầy đặc hơn, cầu kỳ hơn và mang tính chất đặc chưng, ý nghĩa riêng cho từng công trình. Tiêu biểu cho các công trình có nền chạm khắc nổi trội, tinh hoa phải nói đến chùa Tây Phương (Hà nội), Đình Chèm (Từ Liêm, Hà Nội), nhà Tiền tế thờ Mẫu (Di tích Đình-Phủ La xuyên, Ý yên, Nam Định), Kinh thành Huế…những công trình này tập trung những kiệt tác điêu khắc bao gồm phù điêu, chạm trổ, tạc tượng…trên hầu hết các chi tiết kết cấu xây dựng bằng gỗ, thể hiện tinh hoa của người nghệ nhân dân gian mang tính độc đáo, sáng tạo, đóng góp một hình thức đa dạng về văn hóa nghệ thuật Việt Nam với cộng đồng nhân loại thế giới.

Những cấu kiện được chạm khắc trong các công trình nhà gỗ truyền thống

Trên các cấu kiện kết cấu khung nhà gỗ như: Đầu dư, cốn, xà nách, bẩy, đẩu, ván nong, lá đề, con rường, vì, nóc, xà ,kèo…và những khoảng không gian trống trên các mảng vì kèo, cánh cửa đều được các nghệ nhân dân gian tận dụng làm nơi bố trí những mảng đề tài chạm khắc gỗ. Trong đó, thông thường Đầu dư được chạm khắc hình đầu rồng.

Xà, bẩy, vì ,kèo chạm hoa lá hoặc các tích về tứ linh. Các đầu bẩy chạm chữ thọ, kẻ biên chạm lá đề chữ thọ. Cốn,ván nong, cánh cửa là nơi thể hiện sự đa dạng của trang trí chạm khắc, với tất cả các loại đề tài, tùy theo ý nghĩa của công trình và sự xếp đặt của chủ đầu tư. Chạm khắc trên kết cấu xây dựng kết hợp với chạm khắc trang trí phụ kiện nội thất như giường, tủ, trường kỷ, sập (đồ ngự dụng) và cửa võng, ngai,ỷ khám, bàn thờ, cuốn thư, câu đối v.v…(Đồ gỗ thờ cúng) đã làm tăng thêm tính tôn nghiêm, linh thiêng cho các công trình.

Có thể nói, ở hầu hết các cấu kiện, phụ kiện bằng gỗ trong các công trình của vua chúa, công trình đình chùa miếu phủ… các nghệ nhân đều biết khéo léo chạm khắc những hình tượng hoa văn, phong cảnh phù hợp với văn hóa, tôn giáo và cấp độ chức năng của công trình.

Hoa văn chạm khắc trên kết cấu nhà gỗ truyền thống

Trên các công trình còn được bảo tồn và sử dụng có niên đại từ cuối thế kỷ XV trở lại, các hoa văn chạm khắc trên gỗ mang phong cách nghệ thuật Tây phương là chủ đạo và trộn lẫn phong cách Trung hoa và dân gian Việt, trong đó biểu hiện sự ảnh hưởng khá lớn của Phật giáo và Nho giáo.
Ở hầu hết các cấu kiện khung nhà bằng gỗ, đường nét chủ đạo là hoa lá tây (mang phong cách phương tây) với các đường nét thô cứng, it uốn lượn. Một số công trình được chạm khắc Lá tây hóa Long, hóa Phượng. Trải qua quá trình hội nhập, các nghệ nhân dân gian đã sáng tạo ra lá lật, lá túi v.v… làm nên dường nét uốn lượn hơn, sống động hơn. Đặc biệt tại đình làng Chèm (Hà nội) và đình làng La xuyên (Nam Định) , các nghệ nhân đã chạm khắc trên các vì kèo, đầu bẩy những hoa văn lá lật uốn lượn rất tài hoa, tạo nên sự bay bướm, trầm bổng, xoắn vặn mà ít có công trình nào có được. Một số công trình trong nội cung Huế, đình thờ Thánh, Mẫu, trên các đầu bẩy, vì kèo còn được chạm khắc tích Tứ linh, cửu long quần thực, long chầu nguyệt, Long thăng v.v…

Mô típ Tứ linh còn được trang trí trên hầu khắp các ván nong ( phần ô trống trong các khung vì kèo).Đối với một số công trình, mô típ Tứ linh được biến thành Mai hóa Long, Chúc hóa Long, Cúc hóa Phượng…hoặc theo tip Tứ quý: Xuân, hạ, thu, đông (Mai,trúc, cúc, tùng): Tùng hạc, Trúc tước, hồng công, nho sóc với muôn hình vạn trạng khác nhau. Ở một vài công trình người nghệ nhân còn mạnh dạn chạm khắc những hình ảnh của đời sống thực tại như: Vinh quy Bái tổ,tấu nhạc, kéo co, đánh vật, kiếm củi, câu cá, trọi trâu v.v…Độc đáo có những bức chạm khắc tại đình làng mô tả tình yêu nam nữ như Tự tình, thiếu nữ tắm ở đầm sen, chòng ghẹo v.v…

Nghệ thuật chạm khắc gỗ trên khung nhà truyền thống

 Chạm khắc hoa văn
Ngay từ thủa sơ khai, nghệ thuật chạm khắc gỗ cũng như trên các vật liệu truyền thống khác là nghệ thuật chạm nền. Tức là vẽ hình – lấy thấp đi phần nền – để nổi lên hình tượng hoa văn đã vẽ, sau đó chạm, tách đường nét chi tiết của sống lá, gân lá với hình tượng nhìn một mặt (mặt phải). Được du nhập từ phương Tây, các hoa văn “Hoa lá tây” mang tính nghệ thuật cách điệu, tượng hình: là lá, là hoa, nhưng không phải cụ thể là lá gì, hoa gì. Cho đến nay “Hoa lá tây” vẫn được sử dụng trên rất nhiều chủng loại sản phẩm, chất liệu khác nhau như: gốm, sứ, đồ đá, đồ đồng, tranh thêu, tranh vẽ… và có mặt ở hầu hết các sản phẩm có trang trí, từ giản đơn đến phức tạp với muôn vàn kiểu cách, họa tiết khác nhau. Riêng mảng chạm gỗ ở các công trình tâm linh, “Hoa lá tây” được chạm khắc trên hầu hết các bề mặt chi tiết cấu kiện xây dựng bằng gỗ. Với nền văn hóa đa dạng và phong phú, cộng với sự sáng tạo tài hoa của những người nghệ nhân dân gian, các đường nét hoa lá đã trở nên thuần việt, mềm mại , uyển chuyển, trở thành một đặc chưng riêng biệt của hoa văn người Việt, biểu cảm sự ôm ấp khăng khít, sự vươn xa, bay bổng.

Cùng với sự ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo và Nho giáo, các đường nét hoa văn “hoa lá tây” được tạo dáng thành hình rồng, phượng trong bộ “Tứ linh”: Long-Ly-Quy-Phượng, là biểu tượng của bốn linh vật tượng trưng cho tứ trụ triều đình. Từ đây, đường nét hoa văn đã trở nên biến hóa hơn, uốn lượn hơn. Với sự tưởng tượng phong phú của người thợ, bố cục đường nét hoa văn trở thành hình tượng rồng cuốn, rồng chầu, phượng mứa, phượng tha thư , long-phụng sum vầy,v.v…và với đôi bàn tay tài hoa của người thợ, kỹ thuật chạm kênh-bong ra đời, đường nét hoa văn được tạo hình xoắn, lật . kéo dài thêm và uốn lượn nhiều hơn, tạo ra không gian đa chiều, có mặt trái, mặt phải, mặt trước mặt sau, chi tiết lá hoa như bay lượn, vươn ra ngoài không gian xong vẫn không làm mất đi hình tượng cơ bản ban đầu của hoa văn hoa lá tây.
Đặc điểm đặc biệt của nghệ thuật chạm khắc gỗ trên các chi tiết xây dựng là sự phóng tác và kỹ thuật đóng tràng xước. Do đặc điểm của các chi tiết kết cấu xây lắp nhà gỗ truyền thống có kích thước không đồng nhất, to nhỏ, dài ngắn, dầy mỏng không công trình nào giống công trình nào, vì vậy cũng không có bất cứ một khuôn mẫu chạm khắc cố định nào. Tất cả hình dáng, đường nét, kích thứớc đều do người thợ phóng tác. Trên cơ sở kết cấu xây lắp, người thợ chạm khắc phác thảo đường nét hoa văn theo ý tưởng của chủ đầu tư trực tiếp trên bề mặt phôi gỗ kết cấu công trình, nếu cần thiết thì cũng có thể “đóng nhận” lấy mẫu, xong chỉ dùng cho cùng một loại kết cấu và chỉ dùng cho chính công trình ấy mà thôi. Cũng vì đặc điểm này cho nên các đường nét hoa văn trên các công trình nhà gỗ truyền thống không công trình nào giống nhau và làm nên tính phong phú, đa dạng cho nền văn hóa nghệ thuật chạm khắc gỗ truyền thống.
Kỹ thuật đóng tràng xước là một kỹ thuật cổ, sử dụng một loại dụng cụ đặc biệt gọi là tràng xước để tách những đường nét hoa văn, chỉ có kỹ thuật này mới có thể tạo được độ “hắm-bãi” truyền đều của đường nét hoa văn, tạo nên độ sắc nét, uyển chuyển riêng biệt mà không một dụng cụ, máy móc nào có thể thay thế được. Ngày nay, vì chạy theo lợi nhuận và tiến độ thi công, hầu như có rất it thợ sử dụng tràng xước, chính vì vậy hoa văn hoa lá tây trở nên thô, cứng, kém thẩm mỹ.


Để có thể chạm khắc được hoa văn từ đơn giản (một mặt) đến hoa văn xoắn lật, kênh bong (đa chiều) đòi hỏi người thợ, người nghệ nhân phải có những tính toán khá tổng hợp. Từ việc ra kích thước phôi gỗ cho phù hợp (như chạm sâu bao nhiêu, thân kết cấu dầy-rộng bao nhiêu) là cơ sở để người thợ mộc chuẩn bị phôi gỗ cho đúng, đến việc tính toán thớ dọc, thớ ngang của gỗ để chỗ nào thì lá lật được, chỗ nào thì lá xoắn được và phần nào thì có thể kênh-bong, đảm bảo chi tiết không bị sứt, gãy do thớ gỗ ngang, mắt gỗ, sụn gỗ v.v… Và điều đặc biệt bắt buộc phải giữ đúng đó là kích thước của kết cấu xây dựng: Hoa văn sau khi chạm khắc xong phải như bay lượn, “bám” vào mặt kết cấu, phụ họa, làm đẹp cho kết cấu. Không làm đứt, gãy, lồi lõm các đường nét, gờ chỉ và bề mặt của kết cấu.
Tại một số nhà thờ Thiên chúa giáo ở miền Bắc Việt nam, khả năng chi phí xây dựng được cung cấp từ các nguồn tài trợ của phương tây khá dồi dào đã tạo điều kiện cho tài hoa của những người thợ và nghệ nhân thăng hoa. Tiêu biểu như ở nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), một công trình kết hợp văn hóa Đông-Tây rất hài hòa, sự giao thoa tinh túy giữa hai nền văn hóa Phật giáo và Công giáo. Đạt được hiệu quả như trên có sự góp phần rất lớn của nghệ thuật chạm khắc gỗ trong công trình. Tại đây, các đường nét hoa văn được chạm khắc rất tinh xảo, công phu và sinh động. Sự thăng hoa của nghệ thuật phát lộ trên các đường nét hoa văn trong cung Thánh, trên các đồ ngự dụng, trang trí bằng gỗ, hoa văn hoa lá tây ở đây được chạm khắc hoàn toàn kênh bong, vặn xoắn, uốn lượn, tầng trên, lớp dưới luồn lách, quấn quanh các chi tiết kết cấu, vươn dài từ kết cấu đứng sang kết cấu ngang với rất nhiều hình dáng, bố cục, chi tiết khác nhau. Tài hoa của người thợ chạm khắc kết hợp với kỹ thuật sơn thếp tạo cho người xem có cảm giác như đang đứng trước một khu vườn kỳ lạ, rực rỡ mà rất trang nghiêm, thành kính.
Hình tượng và đường nét hoa lá tây cũng được sử dụng rất nhiều trên các sản phẩm đồ gỗ thờ cúng sơn thếp như Ban thờ, cửa võng, cuốn thư, đại tự v.v…

Chạm khắc con giống
Nghệ thuật chạm khắc gỗ trang trí trên các công trình xây dựng nhà gỗ
truyền thống đặc biệt nổi trội, tinh túy qua các mảng chạm khắc con giống mang mô típ “Tứ linh”.

Dưới sự ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo và Nho giáo, cộng với sự tưởng tượng phong phú của những nghệ nhân dân gian, hình tượng linh vật trong bộ Tứ linh là đề tài được thể hiện dưới nhiều góc độ biểu cảm khác nhau, xong đều có chung những nét cơ bản nhất:
- Rồng gắn liền với biểu hiện của Vương quyền, biểu thị sức mạnh vô
song trên tất cả mọi giống loài, do vậy rồng mang tất cả những gì là mạnh mẽ nhất: Trong nghệ thuật chạm khắc gỗ đầu rồng được tạo tác cầu kỳ, có trán to như trán voi, mũi như mũi sư tử, miệng rộng với hàm răng cá sấu sắc nhọn, hai mắt lớn lồi ra như mắt hổ, trên đầu là đôi sừng như sừng hươu sắc nhọn có nhiều nhánh. Rồng có thân dài uốn lượn nhiều khúc, cổ rắn, mình trăn, vẩy cá, móng chim ưng, chân báo, đuôi, tóc như vòi bạch tuộc. Cùng với hình dạng trên, các nghệ nhân dân gian đã chắp thêm cho rồng những đường vây sắc nhọn như đao như kiếm, những vân mây, vân lửa luôn vấn vít, bồng bềnh như thực như hư, chố ẩn chỗ hiện. Đi kèm với hình dáng rồng là những hình tượng tạo sự quyền uy khủng khiếp qua sự xuất hiện thực tế từ các hiện tượng khắc nghiệt của thiên nhiên như lốc xoáy (rồng lấy nước). phun mưa (giông bão), phun lửa (sấm sét) v.v…Dưới con mắt của người thợ-nông dân, tất cả những gì được cho là mạnh mẽ nhất, oai hùng nhất của đời thường và sự tưởng tượng đều được ghép vào hình tượng rồng Thiên tử. Tuy nhiên, đến thời Nguyễn, nền văn hóa Phật giáo đi sâu vào tâm linh mọi tầng lớp lao động, thì rồng Việt đã có những lọn tóc, vây đuôi mền mại hơn, miệng rồng không chỉ nhe nanh há miệng mà hầu hết ngậm ngọc, viên châu ngọc tượng trưng cho sự cao sang và tính nhân văn tri thức, xong thân rồng cũng uốn lượn trầm bổng nhiều hơn, đầu rồng trở nên hiền hòa, các chi tiết được chạm khắc tinh vi và cầu kỳ, chải chuốt hơn. Hình ảnh rồng có phần trở nên gần gũi, thân thiện với mọi tầng lớp con người.
- Kỳ lân (hay còn gọi là con Ly trong Long Ly Quy Phượng) biểu tượng cho sự trung thành, lòng nhân từ, sự thông thái và tài lộc. Người xưa cho rằng: Kỳ lân xuất hiện là điềm báo cho sự tốt lành, mang đến nhiều may mắn. Trong bộ Tứ linh, Kỳ lân đại diện cho Thái tử (con vua) có hình dạng mình hươu, trán sói, chân ngựa, đầu tròn, mõm ngắn, mắt tròn nhỏ, miệng ngậm châu ngọc. Con Ly của người Việt là sự kết hợp của Ly và Nghê nên không có sừng, dáng dấp hiền hòa, nhân ái, mình nhỏ, đuôi dài, tóc và đuôi xoắn vặn như vỏ ốc. Trong đó Nghê là hình tượng linh vật thuần Việt, mang hình tượng chống lại tà ma ác quỷ. Luôn được dùng để trấn yểm ở cổng hoặc phía trước các công trình tâm linh (như ở cửa Hiếu nhơn và trước miếu môn Thế tổ miếu trong kinh thành Huế).
- Chim phượng được tôn vinh là Chúa của các loài chim, sinh ra từ mặt trời và lửa thiêng, là hình ảnh biểu tượng cho Hòang hậu, Hoàng Thái hậu, mang yếu tố phúc lộc, hiền đức. Chim Phượng luôn được chạm khắc bên cạnh rồng (vua), Ly (thái tử), quy (sự trường tồn). Chim Phượng là hiện thân của đầu chim công, mỏ sếu, chân hạc, cổ rắn,cánh đại bàng, đuôi là những ngọn lửa vân mây, thường có 3 hoặc 5 đuôi. Chim Phượng cũng là linh điểu của văn hóa Phật giáo.
- Rùa (quy) biểu tượng cho sự trường tồn, sinh lực và sức chịu đựng bền bỉ dẻo dai. Rùa còn được tượng trưng cho trời và đất với hình mai rùa như bầu trời. Các nhà phong thủy còn cho rằng rùa là biểu thị cho nguyên lý âm-dương. Rùa có hình dạng khá chân thực với thực thể rùa thường gặp trong đời sống: đầu tròn, nhỏ, cổ ngắn, chân thấp. Dù là một trong bốn linh vật của bộ Tứ linh, xong rùa không đại diện cho biểu tượng của tầng lớp nào trong xã hội, có lẽ vậy nên những người nông dân chạm khắc đã không tô vẽ thêm cho hình ảnh của rùa, để đó một sự thật chân chất, hiền hòa, không cầu kỳ, không xa lánh nhân sinh, xong vẫn thể hiện sự tôn sùng, mong ước được trường sinh mãi mãi.

Thủa sơ khai,hình tượng của bộ Tứ linh: Long-Ly-Quy-Phượng cũng chỉ thể hiện đơn giản là chạm nền mỏng, tạo đường nét thành hình ảnh một mặt với kỹ thuật tách bóc cơ bản tương tự đường nét hoa văn hoa lá tây. Trái qua hàng ngàn năm tạo tác, đúc rút kinh nghiệm, ngày nay những hình tượng rồng-phượng đã được những người thợ giỏi, nghệ nhân tạo dáng như bay, như lượn sống động trên bề mặt kết cấu xây dựng, tạo ra không gian đa chiều, tầng lớp, ẩn hiện như thực, như ảo. Những kỹ thuật tạo hình sống động như kênh, bong, chạm lộng, chạm thủng… nhiều tầng lớp, tạo góc nhìn gần-xa, kỹ xảo tách-tỉa, xen lộng, chắp nổi được các nghệ nhân sự dụng triệt để trong chạm khắc hình tượng con giống. Trong các yếu tố làm nên sự thăng hoa của nghệ thuật chạm khắc con giống, thì yếu tố bản chất thật thà, chân chất của người lao động – người nghệ nhân-nông dân đã làm nên linh hồn của sản phẩm. Với bản chất chân chất ấy, người thợ chạm khắc gỗ đã mang tính tả thực khắc vào từng thớ gỗ và đã làm nên sự sống động, hài hòa cho từng con giống. Từ những hình tượng mang tính ước lệ, qua bàn tay tạo tác của người thợ, hình ảnh Rồng-Phượng đã trở nên có hình hài cụ thể, chi tiết, sống động, thấm sâu vào nếp nghĩ, nếp nhìn của mọi tầng lớp người dân Việt, trở thành hình tượng văn hóa linh thiêng không thể thay đổi, không thể xóa bỏ, và nếu có người nào đó cố gắng tạo dáng, cách điệu hình ảnh linh thiêng của Rồng Việt thì sẽ ngay lập tức nhận được sự phản ứng gay gắt, đa chiều của mọi tầng lớp trong xã hội. Điều đó góp phần khẳng định nghệ thuật chạm khắc, hội họa, phù điêu đã gây dựng hình ảnh Long-Ly-Quy-Phượng trở thành hồn cốt linh thiêng trong lòng dân tộc.
Trong các Linh vật, dù không nằm trong bộ Tứ linh, nhưng không thể không nói đến Long Mã, đây cũng là linh vật của Phật giáo. Long mã là hiện thân của sự kết hợp đầu rồng, mình lân, chân ngựa, trên lưng luôn mang theo cuốn thư tượng trưng cho Luật tạng (Kinh sách nhà Phật). Hình ảnh Long mã thường xuất hiện đơn lẻ ở các lăng tẩm đền chùa từ thời Nguyễn đến nay, với biểu tượng của sự mạnh mẽ, trung thành và ước nguyện hướng về tri thức.
Các con giống khác được chạm khắc trang trí trên các cấu kiện xây dựng nhà gỗ truyền thống thường được lột tả một cách chân thực, tự nhiên bao gồm các loại chim, thú, động vật thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài những hình tượng về Voi, Ngựa, Hạc được tạo tác độc lập, làm chủ thể với biểu thị một sự mạnh mẽ, trung thành, các con giống khác thường chỉ được kết hợp với cỏ cây hoa lá, tạo nên một bức tranh phong cảnh hoặc trang điểm cho bức chạm khắc mang ý nghĩa tượng trưng trở nên sinh động, vui mắt, hài hòa, gần gũi với con người.
Các con giống trong điêu khắc dân gian dù có nhiều hình dạng, kích thước khác nhau nhưng đều được thể hiện dưới những ý nghĩa văn hóa, phong thủy và phù hợp với tâm linh người Việt. Theo quy ước của triều đình phong kiến xưa thì chỉ vua chúa mới được chạm rồng 5 móng, các công trình của quan lại, dân dã thì chỉ được sử dụng rồng 3 hoặc 4 móng. Rồng thì phải có mây, cá phải có nước, cây có gốc, có ngọn, các con giống thì phải có đủ chân đủ cánh v.v…tất cả các yếu tố trên nhằm thể hiện sự cầu mong mưa thuận gió hòa, bình an, đầy đủ, phúc-lộc-khang-ninh…

Chạm khắc phong cảnh
Bên cạnh sự “tả chân” tài hoa của người thợ không thể không nói đến nghệ thuật “nhân cách hóa” trong chạm khắc gỗ.


Ở tất cả các công trình tâm linh, dù nhỏ như một nhà thờ chi họ đến lớn như các công trình tâm linh của vua chúa, vùng miền, chúng ta đều thấy nghệ thuật nhân cách hóa chạm khắc trên các chi tiết xây dựng, trên các sản phẩm gố thờ cúng, đồ ngự dụng, đó là Tứ linh hóa, long hóa,phượng hóa, mai hóa, trúc hóa v.v…
Trong sự tác động của hệ tư tưởng Phật giáo và Nho giáo, một số quan lại và tầng lớp nhân dân lao động cùng với hệ thống tín ngưỡng Thiên chúa giáo khi xây dựng những công trình tâm linh đã tránh phạm kỵ, không sử dụng bộ tứ linh là biểu tượng của vua chúa và triều đình (Hệ tư tưởng Thiên chúa giáo còn nhìn nhận bộ Tứ linh là biểu tượng của Phật giáo), do vậy chỉ chạm khắc hoa văn hoa lá tây, cỏ cây, động thực vật trong cuộc sống thường nhật, trong đó bộ tứ quý Xuân hạ thu đông, Mai trúc cúc tùng được sử dụng là chủ đạo. Mặc dầu vậy, thẳm sâu trong tâm thức người nghệ nhân nông dân sự tôn sư trọng đạo, lễ nghĩa trí tín, sùng bái Thiên tử luôn luôn hiện hữu đã dẫn dắt đôi bàn tay tài hoa đưa hình tượng rồng phượng ẩn vào hình hài của cỏ cây hoa lá, biến những cây mai, cây trúc thành dáng rồng dáng phượng với đầy đủ chi tiết từ mắt mũi, răng lưỡi đến vây đuôi, móng vuốt …thổi hồn cho những thân cây vô tri vô giác trở nên sống động, uốn lượn như bay, như vẫy. Và điểm xuyến cho những bức tranh tâm linh ấy là những chú chim dân dã thôn quê như chim sáo, chim sẻ, chim bói cá…những chú chuột, chú sóc với những tư thế khác nhau: con bay, con đậu, con quay đi, con quay lại, con kiếm mồi, con tình tự…làm cho bức tranh càng trở nên sinh động, gần gũi với mọi người.
Tận mục sở thị một bức chạm khắc gỗ “Mai hóa long” ở Di tích Đình phủ làng nghề gỗ mỹ nghệ cổ truyền La Xuyên (Ý Yên, Nam Định) ta sẽ thấy sự tài hoa của người thợ làng nghề: Một thân mai già cỗi uốn lượn theo dáng Long thăng, với bộ gốc rễ sù xì, u nần tạo nên hình đầu long có trán, có mắt, có mũi. Một nhánh cây khô tạo nên đôi sừng rồng, một nhánh cây non vươn ra từ gốc tạo ra vây rồng, tóc rồng, một cành cây già mọc ra những búp lá kết thành hình hàm dưới có lưỡi, có râu, uyển chuyển, tự nhiên mà cực kỳ hợp lý. Chân rồng là những cành cây gân guốc, xoắn xuýt, cong vòng tự nhiên tạo nên dáng thế mạnh mẽ, oai phong, từ đó lại vươn ra những cành non có hoa, có nụ, xen lẫn lá non, lá già tạo thành những vây, những móng vuôt của rồng. Lưng rồng ẩn sau những chùm lá xum xê như ẩn như hiện. Chùm lá trên lưng không chỉ tạo cảm giác xa-gần, ẩn-hiện mà còn mang một ý nghĩa nhân văn: “Quân tử phòng thân”. Lên đến phần ngọn cây thì sự biến hóa đã trở thành đỉnh điểm: những cành lá, hoa, những chùm nụ vươn dài, uốn lượn thành những dải đuôi rồng cái dài, cái ngắn, cái cong vào, cái cong ra mà lại rất làn lối, thứ tự tạo nên sự chải chuốt, mượt mà cho đuôi rồng. Và giữa những búp những nụ hoa lá tươi vui như mùa xuân ấy một chú sẻ đang đu mình nghiêng ngó bạn tình, một chú sẻ khác đang ngậm một con sâu như muốn nhún chân bay về tìm con trong tổ, trong một hốc cây, một chú thằn lằn trườn mình bò ra nhìn theo con cào cào xòe cánh sắp bay…Vần vũ quanh bức tranh Mai hóa ấy là những dải mây xoắn xuýt tạo nên không gian rộng lớn cho rồng mai bay lên.
Không chỉ thả hồn vào bức tranh khắc gỗ, người thợ chạm khắc có tâm, có đức còn phải lưu ý đến những yếu tố phong thủy khắt khe cho từng chi tiết trên tranh: Cây phải có gốc, có ngọn, có hoa có lá, chim sóc thì phải có mồi, đủ chân, đủ cánh. Những cành những lá, những hoa những nụ đều nằm trong số lẻ. Những đầu lá nhọn không được hướng vào bụng rồng, cổ rồng v.v…Người thợ tài hoa còn biết tạo tác những biểu cảm trên từng chi tiết sản phẩm: chim sóc có con vui con buồn, hoa lá có hoa nở hoa tàn, hoa chúm chím, nụ non nụ già, lá búp lá gốc. Các cành cây uốn lượn, lớp trên lớp dưới tự nhiên, hài hòa.
Có thể nói, nghệ thuật nhân cách hóa trong chạm khắc gỗ trang trí nhà cổ truyền thống nói riêng và chạm khắc gỗ trang trì nội thất nói chung là một nghệ thuật đặc sắc, mang tính thuần Việt, kết hợp nhuần nhuyễn với nghệ thuật tả thực, sự tài hoa trong sắp xếp bố cục của người thợ đã góp phần làm nên một nền nghệ thuật dân gian Việt độc đáo trong kho báu tinh hoa nghệ thuật thế giới. Việc ghiên cứu, đánh giá nghệ thuật chạm khắc trong kiến trúc nhà gỗ truyền thống của một cá nhân, một nhóm người, ở những góc độ nhất định chỉ như người đi vào giữa rừng cây mênh mông, bát ngát.
Dẫu vậy, những tiếng nói chung cũng góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển những nét đẹp truyền thống trong văn hóa người Việt.


Bài liên quan

Bài liên quan

Tiếp đón đoàn chuyên gia Nhật Bản tham quan nghề Mộc cổ truyền.
kiến thức nhà gỗ
Tiếp đón đoàn chuyên gia Nhật Bản tham quan nghề Mộc cổ truyền.

Gỗ Giang vinh dự đón đoàn chuyên gia Nhật Bản cùng Viện Khoa Học Lâm Nghiệp Việt Nam đến tham quan xưởng sản xuất nhà gỗ cổ truyền tại Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội.

Xem thêm