Nhà gỗ cổ truyền với nét đẹp cổ kính, tôn nghiêm mang trong mình tinh hoa văn hóa - kiến trúc và lịch sử dân tộc Việt Nam
Thời xưa khi nước ta còn chịu sự đô hộ và trong cảnh đói nghèo, thì nhà gỗ là điều gì đó thật xa xỉ, chỉ có nhà giàu, nhà địa chủ hay các quan lớn mới có tiền xây nhà gỗ. Ngày nay, khi cuộc sống đã hiện đại văn minh hơn trước rất nhiều lần nhưng nhà gỗ cổ truyền vẫn mang nét đẹp riêng vượt thời gian, minh chứng cho bề dày lịch sử và văn hóa của đất nước Việt Nam.
1. Đôi nét về nhà gỗ cổ truyền Việt Nam
Nhà gỗ cổ truyền là một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam, với kiến trúc thiết kế và họa tiết trang trí cầu kỳ đậm chất Á Đông. Nhà gỗ thường được làm bằng những loại gỗ quý hiếm như gỗ lim, gỗ hương… nên trong thời kỳ phong kiến, loại nhà này chỉ có những nhà giàu mới đủ tiền xây dựng. Gắn liền với những căn nhà này là mái ngói gạch đỏ au cong cong cổ kính và khoảng sân gạch nung mà xưa kia nhà nào cũng ao ước có. Thi công và xây dựng nhà gỗ thuần cổ truyền mất rất nhiều thời gian và công sức, bởi đây là loại hình nhà có kết cấu khá phức tạp với cột nhà, xà nhà, kẻ, bảy, câu đầu, con rường…
Mặc dù hiện nay khi sự tiếp nhận và giao thoa văn hóa giữa các quốc gia trên thế giới đã trở nên cởi mở hơn, kiến trúc nhà ở, nhà gỗ tại Việt Nam cũng đã hiện đại hơn rất nhiều; nhưng nhà gỗ cổ truyền vẫn được coi là hồn cốt của dân tộc và mang giá trị thẩm mỹ đặc biệt đối với người dân và cả khách du lịch nước ngoài.
2. Nguyên tắc thiết kế nhà gỗ cổ truyền
Mang nặng trong mình các tư tưởng cổ xưa của người phương Đông nên khi thiết kế nhà gỗ cổ truyền, bạn cần nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Lựa chọn gỗ: người xưa quan niệm rằng, những cây gỗ bị cưa cụt ngọn hoặc bị sét đánh sẽ mang đến sát khí ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và tài lộc trong gia đình. Vì vậy, khi lựa chọn gỗ xây nhà, bạn cần lưu ý chọn những cây gỗ một thân thẳng, và phải dựng gỗ theo hướng từ gốc đến ngọn, nếu không sẽ là đảo ngược tự nhiên, không tốt.
- Phong thủy: thiết kế nhà gỗ Việt Nam hay bất cứ loại nhà ở nào, bạn cũng nên nghiên cứu kĩ phong thủy của miếng đất nơi xây nhà để tránh cửa nhà quay ra những hướng xấu, ảnh hưởng không tốt đến người trong nhà.
- Khu vực thờ cúng: khu vực thờ cúng phải được đặt ở chính giữa nhà, ở nơi trang trọng nhất trong nhà gỗ, vì đây là không gian tâm linh linh thiêng mà không một gia chủ nào muốn đắc tội.
- Công trình phụ: trái ngược với gian thờ, công trình phụ bị cho là nơi không sạch sẽ nên phải xây dựng cách xa khu vực thờ cúng. Thường công trình phụ của nhà gỗ sẽ không nằm trong không gian nhà chính mà nằm ở ngoài sân.
Nhà gỗ cổ truyền Việt Nam với vẻ đẹp cổ kính tôn nghiêm đậm chất Á Đông và mang đầy trong mình dấu ấn văn hóa lịch sử của dân tộc; là loại hình kiến trúc nhà ở vô cùng đặc sắc cần được gìn giữ lâu dài.