Kiến trúc nhà gỗ cổ truyền từ lâu đã không còn quá xa lạ với nhiều người. Ở mỗi một vùng miền, chúng ta sẽ lại thấy được những nét đặc trưng nhà gỗ riêng, mang bản sắc văn hóa vùng miền riêng, hoặc kỹ thuật xây dựng, chất gỗ sử dụng cũng có sự khác nhau
Nếu như bạn đang tò mò về nhà gỗ Nam Bộ liệu có gì khác với nhà gỗ Bắc Bộ? Thì hãy tham khảo ngay bài viết này các bạn nhé.
KIẾN TRÚC NHÀ GỖ VÙNG NAM BỘ
Về cơ bản, kiến trúc nhà gỗ Nam bộ không khác quá nhiều so với kiến trúc nhà gỗ ở Bắc Bộ, Sự khác nhau có chăng ở đây là cách xử lý chất liệu gỗ, đường trạm trổ, chạm lộng, hoa văn…Và bấy nhiêu thôi cũng đủ tạo nên nét văn hóa, tính cách riêng biệt giữa hai vùng miền rồi đó.
Người dân Nam Bộ sử dụng kỹ thuật đóng kèo hay đòn tay theo kiểu guốc chè. Với những người thợ lâu năm có tay nghề cao, hay những nghệ nhân trạm khắc gỗ thuộc thế hệ ông cha bạn sẽ nhận thấy từ kiến trúc đến hoa văn chạm khắc của căn nhà gỗ khác hẳn những căn nhà khác. Cấu trúc nhà đơn giản, xinh xắn, trạm trổ khéo léo, uyển chuyển, sự tinh vi và kết nối chặt chẽ giữa các đường soi nét và viền tinh xảo tạo nên một căn nhà gỗ mang đậm nét văn hóa của người dân Nam Bộ.
Đến với vùng sông nước Nam bộ, bạn sẽ đến với hệ thống sông ngòi chằng chịt, rồi được chứng kiến chiếc cầu khỉ, cầu treo, hay con thuyền độc mộc, nhỏ bé len lỏi qua những con kênh rạch… Có lẽ chính vì hệ thống sông nước chằng chịt và người dân phải sống chung với lũ quanh năm như vậy mà chất gỗ trong thiết kế nhà gỗ Nam bộ cũng khác với chất gỗ ở các khu vực khác.
Các loại gỗ sau khi được hóa sinh tự nhiên sẽ được đem đi ngâm dưới lớp bùn tự nhiên trong ao hồ nhằm tăng độ bền bỉ, sức dẻo dai cho từng thớ gỗ và để tránh sự tồn tại của các loại vi sinh vật như mối, mọt… làm phá vỡ cấu trúc gỗ. Và người thợ mộc thường ngâm gỗ dưới nước khoảng vài năm đến chục năm và loại gỗ thường dùng làm nhà là: gỗ chàm – một loại chất gỗ được dùng trong ngành công nghiệp sản xuất giấy. Sau đó vớt chúng lên và đem đi sử dụng, người Nam bộ sẽ có những ngôi nhà có tuổi thọ vài chục năm.
Nếu như chỉ nhìn qua sẽ không thấy được kiến trúc nhà gỗ Nam Bộ có gì khác so với kiến trúc nhà gỗ Bắc Bộ, nhưng kỳ thực chúng lại rất khác nhau. Đặc biệt là phần mái nhà – mái nhà trong kiến trúc Nam Bộ thường sử dụng vật liệu lá dừa đã được phơi khô, một loại cây gần như đại diện cho vùng nam bộ – cây dừa nước, việc sử dụng chất liệu thiên nhiên mang đến cho ngôi nhà cảm giác mát mẻ giúp xua tan đi cái nóng của mùa hè. Căn nhà được bao xung quanh bởi hệ thống cây ăn quả, cây lấy bóng mát… rất điển hình trong các bức tranh thôn quên Nam bộ. Nếu là nhà thiết kế 2 tầng, thì thông thường tầng 1 là nơi tiếp khách và nấu nướng, và tầng 2 dành cho việc nghỉ ngơi của gia chủ. Đôi khi chủ nhà sẽ sắp xếp một khoảng sinh hoạt chung trên tầng 2, hoặc cũng có thể là thư phòng, là nơi đọc sách cho các thành viên trong gia đình.
Với những nét đặc sắc riêng trong thiết kế và sử dụng vật liệu, những ngôi nhà gỗ Nam Bộ đã truyền tải được phần nào thông điệp về tư tưởng, quan điểm và cuộc sống của người dân nơi này, góp phần làm phong phú thêm cho nền văn hóa Việt Nam – một nét văn hóa giản dị và mộc mạc.
KIẾN TRÚC NHÀ GỖ BẮC BỘ
Kiến trúc của nhà gỗ Bắc bộ dường như được hướng tới và ưa chuộng nhiều hơn. Bởi tính cầu kỳ, tỉ mỉ, chi tiết tới từng đường nét chạm trổ và nó chỉ ngự trị đúng 2 màu sắc duy nhất: Màu tự nhiên của gỗ và màu đỏ tươi của ngói. Trong khi đó, tính giản dị trong việc kiến tạo ngôi nhà gỗ của người Việt không đồng nghĩa với tính giản đơn.
Nhìn bề ngoài có cảm giác khá đơn giản, đúng chất nhà cổ truyền thống. Nhưng bên trong lại khiến người ta không khỏi choáng ngợp trước sự tinh xảo trong từng chi tiết. Điều đó chứng tỏ, cấu trúc ngôi nhà gỗ cổ truyền Bắc Bộ được dựng trên một sơ đồ không gian mạch lạc và nó được tính toán hợp lý từ mọi phương diện: hệ cột đặt trên các chân tảng; hệ thống xà ngang, xà dọc nối kết các cột thành bộ khung vững chãi trong không gian để sao cho lòng nhà đủ ở và đủ mát, mái phải rộng và rốc…
Nhà gỗ cổ truyền Bắc Bộ thừa hưởng nét kiến trúc mộc mạc, tính giản dị và chuẩn mực giống như tính cách của người xưa. Nó sử dụng hầu hết là các chất liệu quen thuộc của làng quê Việt Nam như gạch, gỗ, đá ong… Cột nhà là phần đỡ chính cho cả công trình đặt nổi trên bệ đỡ chứ không phải chôn xuống đất như các công trình khác.
Toàn bộ khối lượng ngôi nhà được đặt lên các cột gỗ khắc họa chi tiết. Cột tròn và to mập, phình ở giữa. Chiếc cổng to lớn được xây dựng bằng đá ong – một loại đá rất đặc trưng, hay được sử dụng trong các thiết kế nhà ở vùng Bắc bộ. Chiếc cổng ra vào cũng được thiết kế theo hướng kiến trúc cổ ngày xưa, lấy ý tưởng cổng ra vào hoàng cung triều đình Huế thể hiện sự bề thế của ngôi nhà.
Nếu như bên ngoài giản dị bao nhiêu, thì bên trong căn nhà gỗ ở Bắc Bộ càng cầu kỳ bấy nhiêu. Có thể thấy được sự đầu tư, chăm chút của chủ nhà dành cho ngôi nhà của mình. Từng chi tiết hoa văn được điêu khắc khá khéo léo, đường nét rồng bay uốn lượn được trạm trổ tỉ mỉ – Đây chính là sự tinh túy trong kiến trúc nhà gỗ cổ truyền ở Bắc Bộ.