Từ đường và việc xây Từ đường

Từ đường và việc xây Từ đường

Thứ hai, 13/02/2017 | 10:00

Từ đường và việc xây Từ đường

Nhà thờ họ (chữ là Từ đường, H: 祠堂,A: The ancestral temple, P: Le temple des ancêtres) là một trong những thứ mà chỉ có ở các nước theo đạo Khổng.

1.Từ đường là một ngôi nhà dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ tính theo phụ hệ (dòng của cha), nơi được coi như nhà Tổ 茄組, nhà quy tụ con cháu dòng họ, đồng thời cũng là nơi thờ tự ông bà tổ tiên, nhất là các ngày giỗ trọng. Đây cũng là nơi Hội đồng gia tộc hội họp, giải quyết việc họ; là nơi con cháu thực hiện việc tạ lễ khi cưới gả, đi xa về, hoặc thi đậu, nhậm chức. Nếu xác định được Thái Thuỷ Tổ 太始祖 thì xây nhà thờ cụ này gọi là Khởi nguyên đường 起元堂.

Nhà thờ họ phổ biến trong người Việt tại đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Trung Bộ. Với mỗi dòng họ, cùng với gia phả, nhà thờ họ là điểm tựa tinh thần của hiện tại từ quá khứ. Nhà thờ họ trường tồn tượng trưng cho một dòng họ bền vững, lâu đời. Đó là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần to lớn; nơi lưu giữ gia phả, văn tự cổ cùng những sắc phong, tượng thờ, bài vị cùng những điển tích về dòng họ; là nơi lưu giữ những di vật của tổ tiên. Đây có thể được coi như một bảo tàng thu nhỏ của dòng họ bởi nó chứa đựng rất nhiều thông tin về dòng họ. Trường hợp họ nghèo chưa có tiền xây nhà thờ họ thì trưởng họ ở nơi đó là nhà thờ họ.

Chi họ lớn, sau khi đã phân chi thì nhà thờ của dòng trưởng nam sẽ là nới nơi thờ phụng từ đời ông thủy tổ, nơi giữ gia phả gốc, nhà thờ này sẽ được gọi là nhà thờ đại tôn 梁族祠堂. Các nhánh họ khác đều có nơi thờ cúng riêng từ đời ông tổ chi trưởng, gọi là nhà thờ chi họ (hay cửa họ) 宗堂.

Nhà thờ họ sẽ được xây cất với quy mô, kiến trúc phụ thuộc vào khả năng tài chính và đóng góp của các suất họ (từng thành viên nam) và theo địa vị xã hội của những người vai vế trong dòng họ.

Phần nội thất, gian giữa thường kiến trúc kiểu có “chuôi vồ” (mở rộng ra phía tường hậu) để xây bệ thờ.

Trên bệ đặt giá gương hoặc linh toạ (long ngai). Trên ngai để bài vị tổ tiên hoặc một ống quyển hay một khối hộp chữ nhật đứng được sơn son thiếp vàng, trong đó đựng gia phả tộc họ, bên ngoài phủ nhiễu điều. Phía dưới, trước mặt long ngai bày đồ tự khí và đặt lễ phẩm. Hằng năm, ngày giỗ tổ là dịp hội họp lớn nhất của tộc họ. Ngai sẽ là nơi để bài vị tổ tiên hoặc là một ống quyển, hoặc khối hộp chữ nhật sơn son thiếp vàng đứng chứa đựng gia phả, có phủ nhiễu điều bên ngoài. Nơi đây là nơi được xem là linh thiêng nhất, nơi mà linh hồn tổ tiên sẽ ngự trị.

Thần chủ (H: 神主, A: The tablet of the dead, P: La tablette du mort) thờ vĩnh viễn 永世辰主 và là của thuỷ tổ dòng họ 肇祖, tức Bài vị (H :簰位, A: The tablet of the deceased, P: La tablette du défunt) không chuyển giao cho ai 百世不祧支主. Gia từ chỉ có bài vị của bốn đời: cao, tằng, tổ, khảo. Hộp thần chủ được đặt trong long khám (龍位, có chạm hình rồng quấn xung quanh, được sơn son thếp vàng), chỉ khi nào cúng tế mới mở ra. Theo tục lệ “ngũ đại mai thần chủ” 五代埋神主, nên khi có ông mới mất, thần chủ vị cao tổ sẽ bị nhấc đi để nhường chỗ cho vị mới. Các vị tằng, tổ, khảo còn lại sẽ dần dần mỗi vị lên một bậc, vì có thêm vị khảo mới thay cho vị cũ được đưa lên hàng tổ. Có nhà đơn giản, không bày thần chủ, chỉ thờ bằng một bộ ỷ.

Đồ thờ (tự khí 祀器)như bát hương, lư trầm, độc đỉnh, quả bồng, hương án, tam sơn, tay ngai, long khám… bằng đồng hoặc bằng gỗ sơn son thếp vàng. Nhà giàu có thêm hoành phi, câu đối thếp vàng hoặc khảm xà cừ, bát bửu. Nhà bình thường có lư hương bằng sứ, đôi đèn nến sơn son, treo hoành biển đơn giản hơn và dán đôi liễn bằng giấy đề chữ Hán…

Nội thất bên trong nhà thờ được sắp đặt trang nghiêm, có thứ tự rõ ràng và sự sắp sếp có chủ ý thể hiện những thông tin về gia đình, dòng họ được kết cấu một cách chu đáo, đầy đủ để con cháu trong họ cũng như người ngoại tộc có thể hiểu khá tường tận về lịch sử của dòng họ cùng những con người, những danh nhân của dòng họ.

Dù túng thiếu cũng tránh mang cầm cố đồ thờ. Trước đây, khi người nghèo vay nợ đến 30 tháng chạp chưa có tiền trả, chủ nợ thuê nặc nô (lưu manh chuyên đi đòi nợ thuê) đến nhà con nợ ngồi lên bàn thờ hoặc bắt nợ bằng thần chủ gia tiên.

2. Vấn đề xây nhà thờ thế nào cần dựa vào : Mục đích; Sự đồng thuận của quan viên họ; Địa điểm; Khả năng, nguồn tài chính, nhân công,; Kiến trúc…Việc xây dựng nhà từ đường là nhu cầu thiêng liêng, bức thiết của dòng họ; đượ tiến hành nghiêm túc, giữ mục tiêu văn hóa, không vụ lợi và luôn tôn trọng yếu tố thiêng liêng thuộc lỉnh vực tâm linh của dòng họ .

Lễ Ký xưa đã quy định về nhà thờ tổ như sau:

– Nhà thờ tổ to nhỏ tùy theo giai cấp và chức tước.
– Nhà thờ tổ của bậc Thiên tử có bảy miếu: ba miếu ở phía bắc gọi là Chiêu, ba miếu ở phía phía nam gọi là Mục, và một miếu ở phía Tây, để thờ vị Thái tổ đã lập ra dòng họ.
– Nhà thờ của các bậc chư hầu có năm miếu thờ: hai miếu ở phía bắc gọi là Chiêu, hai miếu ở phía nam gọi là Mục, và một miếu ở phía tây thờ vị Thái tổ được vua phong hầu và ban cấp Thái ấp.
– Nhà thờ của bậc đại phu có ba miếu: một miếu ở phía bắc gọi là Chiêu, một miếu ở phía nam gọi là Mục và một miếu ở phía tây thờ vị Thái tổ.
– Nhà thờ của các bậc quan sĩ, chỉ có một miếu.
– Thứ dân không có miếu thờ riêng và thờ tổ tiên ngay trong nhà.

Ngày nay, các quy định trên đã nới lỏng. Theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nếu chưa có hoặc Từ đường đã xuống cấp thì con cháu toàn dòng họ tham gia ý kiến và nhiệt liệt hưởng ứng (trong việc xây mới, trùng tu, tôn tạo, sửa chữa).


Bài liên quan