Sinh ra trên đống vụn bào, lớn lên trong âm thanh chí chát của chiếc đục Chàng Chảy, với Thạc sĩ, Nghệ nhân quốc gia ngành chế tác xây dựng nhà gỗ cổ, KTS Nguyễn Giang (ảnh bên), được tự tay dựng nên những ngôi nhà “kẻ chuyền” đặc trưng của đồng bằng Bắc
Một công trình kiến trúc gỗ đậm hồn cốt dân tộc mang thương hiệu Gỗ Giang. Ảnh trong bài do nhân vật cung cấp |
Kế thừa và phát huy
Ngôi nhà Việt cổ truyền có hình hài ra sao, trong suy nghĩ của anh?
Kiến trúc nhà Việt cổ truyền đa phần sử dụng khung gỗ hay nhà gỗ truyền thống, với những đường nét chạm trổ tinh tế. Khi kết hợp với những vật liệu truyền thống, gần gũi như gạch, ngói, đá ong, tre..., ngôi nhà sẽ tạo nên một hình khối hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường và hòa quyện với nét đặc trưng trong tính cách, tâm hồn người Việt để trở thành một thực thể thống nhất. Nhà là nơi chốn đi về, là nơi lưu giữ những trang hồi ức, kỷ niệm riêng tư của nhiều thế hệ gia chủ. Chính vì thế, ẩn giấu sau vẻ mộc mạc, giản dị của ngôi nhà gỗ truyền thống luôn sục sôi, cuộn chảy mạch ngầm cội nguồn và sức sống lâu bền, mãnh liệt của cả một dân tộc - vốn cần cù, chịu thương chịu khó nhưng thường xuyên phải đối mặt với giặc giã, can qua, loạn lạc chiến tranh.
Kiến trúc gỗ không phải là đặc sản riêng có của Việt Nam, khi chúng ta có thể chiêm ngưỡng những công trình tương tự ở một vài quốc gia châu Á khác như Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản... Vậy những đặc điểm khác biệt làm nên hồn cốt, tinh hoa kiến trúc gỗ Việt mà cha ông ta đã dày công sáng tạo là gì?
Với hiểu biết và góc nhìn còn nhiều hạn hẹp của riêng mình, tôi chỉ dám đưa ra một số nhận xét, quan sát mang tính cá nhân. Về hệ mái, nhà “kẻ chuyền” thường có mái thấp, phần đua ra của mái gỗ thường không nhiều, không bay lên quá cao như phương thức dùng “đấu củng” của các quốc gia kể trên. Đầu đao cong vươn lên, thanh thoát. Màu sắc thường trầm, không sử dụng nhiều màu, sắc độ màu không sặc sỡ. Hình thức kết cấu “kẻ chuyền” vốn tương đối điển hình cho kiến trúc gỗ đồng bằng Bắc Bộ, dân trong nghề gọi là “tiền kẻ, hậu bẩy” gắn với đặc tính chịu lực. Điểm thú vị nằm ở “mộng thắt”, không cần đóng nêm cũng đã cố định chắc chắn rồi. Tôi cũng rất tâm đắc với hai thành tố đầy sáng tạo của người xưa. Với cây thước tầm, kích thước của người chủ đã thổi hồn vào ngôi nhà. Và chỉ một chiếc sào mực (chiều dài bằng đúng cây cột cái) đã đủ sức gói gọn thông số của hàng chục bản vẽ kỹ thuật. Lúc xảy ra biến cố, họ chỉ cần mang theo mỗi cây sào mực ấy. Khi đất nước yên hưởng thái bình, dựa trên cây sào ấy, họ có thể dựng lại một ngôi nhà y hệt.
Về kết cấu tổng thể, nếu như ngôi nhà Trung Quốc thường được bố cục “đóng”, quây quần theo kiểu “Tứ hợp viện” gồm các nếp nhà xếp vuông vắn bao quanh một sân trong, được kết nối bằng hành lang thì ngôi nhà truyền thống của người Việt chủ yếu là một nếp nhà chính ở trung tâm và các dãy nhà ngang bên cạnh. Phía trước nhà chính là khoảng sân rộng và thoáng để phơi phóng phục vụ hoạt động nông nghiệp. Ngôi nhà về cơ bản không “đóng khung” trong 4 bức tường, mà mở ra những không gian thoáng rộng với vườn tược, cây trái, ao hồ để thu nạp bầu không khí xanh mát, giải tỏa cái nắng mùa hè nên rất gần gũi với thiên nhiên.
Đồng nghiệp đã dành nhiều lời ngợi khen, cho tác giả của những ngôi nhà vẹn nguyên sắc màu truyền thống nhưng vẫn đầy đủ công năng phục vụ những chủ nhân hiện đại hôm nay. Tìm lời giải cho bài toán kế thừa và phát huy có khó lắm không, thưa anh?
Đôi lúc tôi cũng nhận được những ý kiến, quan điểm, rằng làm công trình kiến trúc truyền thống từ xưa đến giờ “phải thế này”, lối cổ “phải thế kia”... Nhưng tôi nghĩ, bản thân truyền thống đã luôn đòi hỏi sự tiếp nối, điều chỉnh, thậm chí biến đổi dựa trên nền cái gốc để công trình đáp ứng điều kiện thực tế mới. Bởi thế, sản phẩm của chúng tôi vẫn vẹn nguyên và đậm đặc hồn cốt đồng bằng Bắc Bộ nhưng hóa giải được hầu hết những nhược điểm tồn tại khi có thể chống nóng, chống thấm, chống ẩm hiệu quả và giúp gia chủ sử dụng được những trang thiết bị nội thất hiện đại. Tôi nghĩ, hiện vật, di sản trong bảo tàng có thể đóng khung nguyên bản để thăm quan. Còn công trình kiến trúc, dù mang phong cách truyền thống mà tư duy đóng khung theo kiểu bảo tàng thì e là công trình “chết”. Vốn cổ hay nghề cổ muốn tồn tại hay phát huy được trong cuộc sống mới rất cần, thậm chí là “bắt buộc” phải thay đổi, điều chỉnh để thích nghi và đáp ứng được nhu cầu của mỗi thời. Đó cũng là phương cách hữu hiệu nhất để giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống theo hướng bền vững.
Cảnh dựng cây nêu đón Tết. |
Tiếp nối và lan tỏa
Theo dõi hành trình sáng tạo những công trình được liên tục cập nhật trên trang Facebook cá nhân của anh, sắc màu dân tộc đậm đặc trong từng chi tiết kiến trúc là điều khiến tôi vô cùng ấn tượng. Như thể tình yêu tinh hoa vốn cổ đã được anh tâm huyết gửi gắm trọn vẹn trong từng “tác phẩm”?
Không chỉ tiếp thu, tôi còn cố gắng hết sức để vốn cổ ấy đến được với lớp hậu sinh. Với những dòng chữ Hán Nôm được viết bằng bút lông, mực tàu trên nóc hay những bức đại tự, hoành phi, câu đối trong không gian thờ tự, tôi sẽ dần chuyển sang dạng thư pháp tiếng Việt. Những thông điệp của thế hệ đi trước sẽ truyền lại cho con cháu ra sao, khi lớp trẻ không còn hiểu được loại chữ tượng hình ấy? Với các hoa văn được chạm trổ, điêu khắc kỳ công, tôi vẫn giữ gìn những mẫu đẹp, giàu ý nghĩa và loại bỏ những hình ảnh mang đậm màu sắc Trung Hoa. Trong không gian ấy, tôi tái hiện từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ đến câu chuyện Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, từ cảnh sinh hoạt của người dân như bao sái bàn thờ, dựng cây nêu đón Tết đến những bức tranh dân gian Đông Hồ gần gũi như Vinh hoa phú quý, Hứng dừa... thuần Việt 100%. Quây quần trong mái ấm đậm màu hoài cổ, lại có cơ hội hiểu và thêm yêu lịch sử hào hùng của dân tộc thông qua những hoa văn, hình ảnh chạm khắc tinh xảo đậm dấu ấn nghề mộc Chàng Sơn, tôi nghĩ gia chủ nào cũng sẽ thích thú.
Hiện tại, phân khúc khách hàng chính của anh là những ai? Và tương lai của kiến trúc gỗ, trong đời sống đương đại sẽ ra sao?
Trước đây, số đông thường quan niệm kiến trúc gỗ dành cho người nhiều tiền, tệ hơn là đối tượng “trọc phú”, “khoe mẽ”. Nhưng từ thực tế, tôi nhận thấy tri ân, báo hiếu ông bà tổ tiên là cái đích mà 70-80% khách hàng hiện nay hướng tới, khi đặt hàng những căn nhà 3-5 gian có không gian thờ tự ở trung tâm. Chỉ có 20-30% có nhu cầu xây dựng không gian tín ngưỡng đơn thuần như chùa chiền, nhà thờ họ...
Bởi thế, cánh cửa đang mở rất rộng cho những KTS nặng lòng với kiến trúc gỗ cổ truyền như chúng tôi, khi làm quanh năm không hết việc. Làng Chàng Sơn, sau bước đi khởi đầu mạnh dạn của tôi, giờ cũng đã có tới gần chục gia đình gắn bó và sống khỏe nhờ nghề truyền thống. Thợ mộc làng Chàng không còn phải tha hương vất vả mưu sinh. Gắn bó với làng, thu nhập của mỗi người từ 20-30 triệu đồng mỗi tháng.
Ước vọng lớn nhất của tôi vào thời điểm này là bắc nhịp cầu nối đưa những tinh hoa kỹ thuật mộc cổ truyền của cha ông đến với giới trẻ trong nước cùng bè bạn quốc tế. Khai thác mọi kênh truyền thông có thể, tôi rất vui khi những nỗ lực tri ân tiền nhân đã nhận được những hiệu ứng tích cực. Rất nhanh chóng, Facebook Nguyễn Giang đạt 13 nghìn người theo dõi, kênh Youtube Gỗ Giang có 29 nghìn người đăng ký. Bất ngờ là có video đạt 16,8 triệu views sau chưa đầy một tháng, có video đạt 10 triệu views chỉ sau 18 ngày đăng tải. Rất nhiều cư dân mạng thuộc nhiều quốc gia đã chia sẻ sự thích thú, thán phục đôi bàn tay tài khéo của những người thợ Việt Nam. Nhiều người bày tỏ mong muốn thăm thú dải đất hình chữ S, để thỏa sức ngắm nhìn những ngôi nhà gỗ độc đáo tuyệt đẹp như thế. Tinh hoa vốn cổ đã lan tỏa, đã có thể đi xa, tôi không còn mong muốn điều gì hơn thế!
Cảnh dựng cây nêu đón Tết (ảnh trên) và bức tranh Đông Hồ Vinh hoa phú quý đã giúp tinh hoa vốn cổ dân tộc được tiếp nối, trao truyền cho hậu thế. |
KTS Nguyễn Giang sinh năm 1981, tốt nghiệp khoa Kiến trúc (Đại học Xây dựng năm 2004, bảo vệ luận văn Thạc sĩ Kiến trúc với đề tài “Kiến trúc gỗ làng Chàng Sơn (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội)” vào năm 2015. Anh thành lập Công ty TNHH Gỗ Giang từ năm 2007 và gắn bó với những công trình kiến trúc gỗ đặc sắc từ đó tới nay.